Tại sao các bạn trẻ thường có nhiều nghi ngờ và khó khăn trong việc giữ và sống đạo?
Qua kinh nghiệm thời tuổi trẻ của bản thân, thầy hiểu được lý do tại sao người trẻ thường thờ ơ hoặc nghi ngờ niềm tin của mình. Dĩ nhiên kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác, và thầy không "vơ đũa cả nắm" trong phân tích này.
Thứ nhất, bắt đầu từ lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi mà các nhà tâm lý gọi là "tuổi nổi loạn", các bạn trẻ thường có phản ứng ngược lại với những gì các bạn cho là bị gia đình và xã hội áp đặt. Trong đó, việc bị ép buộc phải đi học giáo lý, đi nhà thờ cũng khiến các bạn cảm thấy bị gò bó và mất tự do. Ở lứa tuổi này, các bạn trẻ đòi hỏi một giải thích hợp lý trong mọi vấn đề, hơn là sự gò ép. Trong khi đó, việc thực hành đạo trong gia đình và trong giáo xứ mang tính rập khuôn từ xưa đến nay và cha mẹ hay cha xứ thiếu những giảng dạy giải thích phù hợp cho các bạn trẻ. Thầy cũng đã từng có trải nghiệm như thế, không muốn đi lễ là bị cha mẹ mắng, bị hù dọa là có tội... trong khi mình chưa hiểu tại sao phải đi lễ mỗi ngày.
Thứ hai, mâu thuẫn trong tư tưởng giữa giáo lý của đạo và điều được học ở trường. Trong khi lứa tuổi nổi loạn đòi hỏi những giải thích mang tính khoa học phù hợp, thì đức tin và giáo lý của Giáo Hội lại mang tính triết lý cao siêu, huyền bí đối với những cái đầu non nớt và đầy nghi ngờ. Các bạn trẻ có xu hướng nghiêng về lý luận của khoa học vì thấy nó hợp lý và dễ chấp nhận hơn. Hơn nữa, ở các lớp học giáo lý các bạn ít khi được đặt vấn đề và cũng không được giải đáp thỏa đáng vì chính bản thân các anh chị giáo lý viên cũng chưa đủ khả năng trả lời các câu hỏi của đạo. Còn cha xứ thì các bạn trẻ lại không dám hoặc ít có cơ hội gặp gỡ để hỏi. Các thầy cô và các sách vở khoa học cung cấp cho các bạn nhiều thông tin hơn và các bạn dễ dàng chấp nhận chúng. Tuy nhiên mức độ chính xác của khoa học và lịch sử trong sách vở ở Việt Nam lại rất đáng ngại. Ví dụ như thuyết tiến hóa của Darwin mặc dù là một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhưng vẫn còn nhiều tranh luận chứ không phải chính xác 100%, thế nhưng ở Việt Nam chúng ta cứ được học: "con người tiến hóa từ vượn người." như một sự thật không thể chối cãi. Các bạn nên lưu ý chữ "thuyết" trong cụm từ "Thuyết tiến hóa". Thuyết có nghĩa là lý thuyết là giả định... tức là còn tranh luận chứ chưa có giá trị chính xác như các định luật.
Thứ ba, tuổi trẻ mang nhiều hoài bão ước mơ và bận rộn với việc học hành hướng đến những dự định của tương lai. Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, tuổi trẻ luôn nhìn về phía trước trong khi tuổi già thường nhìn lại đằng sau. Điều đó muốn nói rằng, với nhiệt huyết và đam mê, các bạn trẻ tập trung vào chuyện học tập và xây dựng tương lại nên không quá lưu tâm đến vấn đề tâm linh hay linh hồn. Với sức khỏe của cơ thể ở độ tuổi xuân xanh, các bạn không sợ hãi cái chết theo nghĩa là cái chết chưa phải là vấn đề các bạn nghĩ tới và lo lắng như người già. Sức khỏe của thân xác, sự năng động và sáng tạo của tinh thần khiến các bạn cảm thấy mình tự giải quyết được mọi vấn đề mà không cần đến Chúa hay thế lực siêu nhiên nào cả. Do đó, các bạn trẻ thậm chí còn xem chuyện giữ đạo, đi đạo là chuyện của bà già và người thiếu hiểu biết.
Nói tóm lại, các bạn trẻ ít khi để cho lòng mình lắng động lại để suy nghĩ những chuyện thiêng liêng và dễ bị thu hút bởi những vấn đề xã hội hơn. Nhưng nếu các bạn giành cho mình thời gian tĩnh lặng để đọc sách thiêng liêng, tìm hiểu về ý nghĩa cuộc đời mình cũng như đức tin trong sự cầu nguyện và chia sẻ với những người hiểu biết hoặc những nhóm bạn cùng chí hướng, các bạn sẽ dần dần nhận ra tầm quan trọng của tôn giáo. Càng trưởng thành các bạn sẽ càng có suy nghĩ lắng đọng hơn, sâu hơn và hiểu ra nhiều điều. Các bạn sẽ không còn thấy khoa học mâu thuẫn với đức tin mà ngược lại, đức tin hỗ trợ cho khoa học trước những vấn đề vượt quá tìm hiểu của khoa học, chẳng hạn như nguồn gốc và mầu nhiệm đau khổ, sự hiện hữu của linh hồn và đích đến của linh hồn con người sau cái chết...
Nhận xét
Đăng nhận xét