NHỮNG LÝ THUYẾT SAI LẠC VỀ TÌNH TRẠNG CỦA CON NGƯỜI SAU KHI CHẾT
Những điểm chung của các lạc thuyết này là: đều bắt nguồn từ các học giả Tin Lành; không tin có luyện ngục, không tin có phán xét riêng và phán xét chung, hay thậm chí không tin có sự sống lại của thân xác.
1. Học giả CG Origenes: Hỏa ngục không phải là hình phạt đời đời.
Origenes là một học giả rất nổi bật trong Giáo Hội ở các thế kỷ đầu. Ông là một nhà thần học và một nhà chú giải Kinh Thánh nổi danh. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những lý thuyết không phù hợp với Kinh Thánh, điển hình là vấn đề hỏa ngục.
Theo Origenes, hỏa ngục không phải là hình phạt đời đời. Bởi "con người hữu hạn sẽ chỉ phạm những tội lỗi hữu hạn và sẽ phải chịu những hình phạt hữu hạn mà thôi. Sẽ là không công bằng nếu phạm tội hữu hạn mà phải chịu hình phạt vô hạn". Và vì thế ông cho rằng, tới một lúc nào đó con người đền tội xong thì hỏa ngục sẽ kết thúc và tất cả sẽ được hưởng nhan Chúa.
Lý thuyết ông nêu ra không phù hợp với lời của Chúa Giêsu. Khi giảng dạy bằng các dụ ngôn về Nước Trời, Ngài luôn nói đến "nơi lửa không hề tắt và dòi bọ không chết"; "nơi tối tăm, khóc lóc nghiến răng". Thêm nữa, nếu sau cùng mọi người đều được hưởng hạnh phúc, thì còn đâu sự công bằng? Vì chẳng lẽ những tội nhân cố chấp chối bỏ hay xúc phạm Thiên Chúa lại có thể được hưởng hạnh phúc nơi Ngài chung với những người công chính ư?
2. Martin Luther: Cái chết là một giấc ngủ dài tới ngày tận thế.
10 năm sau khi từ bỏ GH Công Giáo, Martin Luther đã tạo ra nền giáo lý và thần học mới cho GH Kháng Cách (TL), trong đó có nhiều điểm hoàn toàn đối lập với giáo lý Công Giáo. Ở đây chỉ bàn về chủ đề bài viết.
- Phủ nhận Luyện Ngục. Theo Luther, các câu Kinh Thánh mà giáo lý Công Giáo xem là nền tảng của giáo lý về Luyện Ngục là không thuyết phục.
- Linh hồn ngủ: Luther cho rằng khi chết, con người chìm vào giấc ngủ chờ đợi tới ngày tận thế. Khi ấy Chúa sẽ đánh thức cả hồn lẫn xác con người để hưởng phúc thiên đàng.
- Cầu nguyện cho linh hồn người đã mất là vô lý và vô ích. Bởi không có luyện ngục, và linh hồn chỉ ngủ mà thôi.
- Không có phán xét: Con người là tội lỗi và nếu Thiên Chúa phán xét thì không ai được cứu cả. Đức tin là bảo đảm cho ơn công chính của con người.
3. Học giả Tin Lành Laudios Boros: Quyết định sau cùng diễn ra sau khi chết.
Theo ông, chỉ sau khi chết, con người mới biết rõ về Thiên Chúa, nên mới có quyết định cuối cùng là chọn Chúa (thiên đàng) hay từ chối Ngài (hỏa ngục). Lý thuyết này có điểm thuận lợi cho những người chưa nhận biết Chúa khi còn sống (do những lý do khác nhau), thì sau khi chết họ sẽ biết để có quyết định sau cùng.
Tuy nhiên, lý thuyết này lại làm mất giá trị của đời sống trên trần gian, có nghĩa là những gì người ta đã làm (tốt - xấu) là vô ích, vì không liên quan tới quyết định sau cùng. Thêm vào đó, giả sử lý thuyết này đúng, thì các bí tích mà Công Giáo cử hành là vô ích dư thừa, vì việc làm đời này vô giá trị.
4. Các học giả TL Karl Barth, Paus Althaus và Moses Mendelsohn: Chết là hết, cả hồn và xác đều chết.
Theo các học giả này, cuộc sống con người chấm dứt hoàn toàn với cái chết, cả hồn và xác sẽ tiêu tan. Điều còn lại chỉ là ký ức của Thiên Chúa, tương tự như khi người thân của chúng ta qua đời, họ biến mất, chỉ còn lại trong ký ức của chúng ta mà thôi. Như vậy có nghĩa, sự sống vĩnh cửu chỉ ở trong ký ức của Thiên Chúa mà thôi, chứ không phải một thực tại.
Đi xa hơn, các học giả này còn nêu giả thuyết rằng, có thể tới ngày tận thế, vì Chúa còn nhớ tới những người đã mất, nên sẽ tái tạo họ lại cho họ ở bên ngài. Điều này có nghĩa là con người sẽ được dựng nên một lần nữa (hoàn toàn mới) dựa theo ký ức mà Chúa có về họ.
Lý thuyết này không thỏa mãn về nền tảng Kinh Thánh, cũng như làm mất giá trị của cuộc sống con người trên trần gian. Con người, theo lý thuyết này, chỉ là sản phẩm được Thiên Chúa tạo ra như đồ chơi chứ không có giá trị gì. Điều này cũng có nghĩa rằng, công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô cũng là vô ích.
5. Học giả TL Gisbert Greshake: không có sự phục sinh của thân xác
Greshake cho rằng sau khi chết, thân xác con người tan rã và biến mất hoàn toàn, không bao giờ được phục hồi nữa. Còn sự phục sinh phần xác chỉ hiểu theo nghĩa thiêng liêng, thân xác là biểu tượng còn lại nơi linh hồn, thân xác và cuộc sống trên trần gian còn lại nơi ký ức của linh hồn. Cũng vì vậy mà ông không tin có luyện ngục, linh hồn "chết" cho tới ngày tận thế thì được đánh thức để hưởng thiên đàng.
Tuy nhiên, nền tảng Kinh Thánh là sự phục sinh của Chúa Kitô cho thấy điều ngược lại. Chính thân xác ngài đã phục sinh (biến đổi) chứ không hề hư nát trong mồ (mộ trống).
Nhận xét
Đăng nhận xét