KHÍA CẠNH LỊCH SỬ VÀ KITÔ HỌC CỦA CÂU CHUYỆN CÁC ĐẠO SĨ (Mt 2,1-12)
Trong khi Tin Mừng Luca (x. Lc 2,8-20) tường thuật rằng các mục đồng là những người đầu tiên được báo tin mừng Chúa Giáng Sinh, thì Tin Mừng Matheu lại chỉ đề cập đến các đạo sĩ từ phương đông tìm đến theo ánh sao để triều bái Hài Nhi (x.Mt 2,1-12). Các đạo sĩ này là ai và câu chuyện này có phải là một sự thật lịch sử không?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện này theo hai khía cạnh lịch sử và thần học thiêng liêng.
1. Khía cạnh lịch sử
Thánh Mat-thêu trình thuật rằng câu chuyện xảy ra dưới thời vua Hêrôđê (c.1), và điều này phù hợp/ tương đồng với TM Luca (x. Lc 1,5).
Căn cứ vào thông tin mà thánh Matheu đề cập, chúng ta biết các vị đạo sĩ – hay chính xác hơn nên dịch là chiêm tinh khoa học (không phải mê tín bói toán) – đến từ phương đông (c.1) và ánh sao lạ (cc.2.9.10). Dựa vào bằng chứng lịch sử được ghi nhận, chúng ta biết được ở nền văn minh Lưỡng hà cổ đại mà trung tâm là Babylon (vùng đất nằm giữa 2 con sông Euphrat và Tigris – ngày nay là Iran/Iraq) khá nổi bật ở thời cổ đại. Ở Babylon thời ấy đã từng có một trung tâm nghiên cứu thiên văn và chiêm tinh học. Ba nhân vật mà thánh Mat-thêu mô tả có lẽ phải là các thiên văn/ chiêm tinh gia thông thái, bởi nhờ quan sát kĩ lưỡng và cẩn thận sự xuất hiện cũng như chuyển vận của một ngôi sao (1 hành tinh) mà họ nhìn thấy dấu chỉ của những điều bí ẩn.
Ngôi sao mà họ đã nhìn thấy từ phương đông là gì? Theo các nghiên cứu thiên văn thời cận đại, chẳng hạn từ nhà khoa học J. Kepler (tk 16) thì vào khoảng năm 7 B.C (trước Chúa Giáng Sinh), sao Mộc (jupiter) và sao Thổ (saturn) đã dịch chuyển đối chiếu tạo nên hình ảnh một con cá. Điều này được lặp lại vào năm 794 A.D. Cần lưu ý là năm sinh chính xác của Chúa Giêsu cũng được xác định là rơi vào khoảng những năm 7-4 B.C. Hình ảnh con cá được tạo ra từ hai ngôi sao này có thể được quan sát bằng mắt thường, và có lẽ đã được các chiêm tinh gia thời bấy giờ xem như dấu chỉ tiên báo về một vị vua. Ánh sao lạ tiên báo sự xuất hiện một tân vương là điều đã từng được văn chương cổ đề cập, chẳng hạn các sách Cựu Ước (Ds 24,17; Is 9,1; 60,2) hay truyền thuyết về ngôi sao lạ xuất hiện trong ngày sinh của đại đế Alexander và sau đó là đại đế Ceasar Augustus. Đây là điều chấp nhận được về mặt lịch sử và logic.
Còn chuyện họ đi theo ánh sao đến Belem thì sao? Ở điểm này, thánh Mat-thêu trình bày khá là khó hiểu. Ánh sao dẫn đường họ đi từ phương đông tới, rồi sau đó, sau khi họ đã đến Giêrusalem tìm hiểu, ngôi sao ấy lại xuất hiện dẫn đường và dừng lại đúng trên ngôi nhà của Hài Nhi (x.Mt 2,9). Điều khó hiểu ở đây là tại sao ánh sao không dẫn đường cho họ đi thẳng tới Belem mà lại tới Giêrusalem rồi có vẻ như biến mất, nhưng sau đó lại tiếp tục xuất hiện. Cần lưu ý rằng Belem „nằm ngay trước cửa Giêrusalem“ chỉ cách 8km. Rồi sau khi thờ lạy và tặng quà cho Hài Nhi, các đạo sĩ trở về quê (c. 12) và hoàn toàn không được nhắc tới nữa. Có vẻ như thánh Mat-thêu không quan tâm tới điều ấy mà chỉ quan tâm tới khía cạnh đức tin, nghĩa là thánh nhân chú ý tới khía cạnh ứng nghiệm của Cựu Ước trong Tân Ước, hơn là ghi lại một sự kiện lịch sử thuần túy.
Câu trả lời về khía cạnh lịch sử có thể chưa làm hài lòng nhiều người, nhưng vì chính tác giả Mat-thêu không viết theo hướng lịch sử, nên chúng ta cũng không cần phải bận tâm nhiều. Như vậy có thể nói rằng, tính lịch sử của sự kiện này không phải là điều thánh Matheu nhắm tới nhưng là sứ điệp Kitô học và thần học mà người ta có thể rút ra. Và đây là điều mà chúng ta gọi là ơn linh hứng hay mặc khải của các phúc âm gia.
2. Khía cạnh Kitô học và thần học
Qua câu chuyện các đạo sĩ nhờ ánh sao dẫn đường đến triều bái Hài Nhi, chúng ta thấy được những điểm mà thánh Mat-thêu rút ra từ Cựu Ước như Thánh Vịnh 72,10:
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Câu 11 nói tới các lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược cũng liên hệ trong câu Thánh Vịnh trên và cả trong Is 60,5tt. Một chi tiết khác có liên quan có lẽ thánh Mat-thêu cũng lấy từ hình ảnh đoàn dân nhìn theo ánh sáng mà tìm đến nhà của Đức Chúa (x.Is 2,3; 60,3).
Việc các kinh sư trích dẫn ngôn sứ Micha đoạn nói về thành Belem (x.Mic 5,1) cũng là điểm ứng nghiệm Cựu Ước nơi Tân Ước, hay còn gọi là ánh sáng của Cựu Ước. Đây chính là cách làm mà các nhà chú giải Kinh Thánh Công Giáo vẫn tiếp tục thực hiện: Dùng Tân Ước để hiểu Cựu Ước và thấy sự ứng nghiệm của Cựu Ước trong Tân Ước.
Ý nghĩa Kitô học rút ra từ câu chuyện này đó là:
Đức Giêsu là vị vua Israel đã được hứa ban từ trước. Ngay khi vừa tới Giêrusalem, các đạo sĩ đã hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.“ (Mt 2,2) Sự xuất hiện của vị vua này đã được Cựu Ước loan báo như ngôn sứ Bileam (x.Ds 24,17). Thánh Mat-thêu cho thấy vị vua của lời hứa đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, ngôi sao của Ngài đã được Bileam nhìn thấy từ xa xưa. Kèm theo đó, sách Samuel (2Sml 5,2); TV 17 cũng tiên báo vị thủ lãnh Israel sẽ chăn dắt dân như mục tử.
Đức Giêsu là Vua của mọi dân tộc. Chi tiết ngôi sao biểu tượng của một vị vua là điều khá phổ biến ở Hy Lạp và La Mã thời bấy giờ. Người ta ghi nhận từ thế kỷ 4 B.C những đồng xu với biểu tượng ngôi sao tượng trưng cho các hoàng đế như Alexander đại đế, hay Ceasar Augustus. Ngay cả vua Herode cũng có đồng xu với biểu tượng tương tự đã được tìm thấy. Từ chi tiết này, thánh Mat-thêu dùng hình ảnh ngôi sao dẫn đường và dừng trên nhà của Hài Nhi Giêsu để giới thiệu về chân mệnh thiên tử của Ngài. Và tương tự như hai vị đại đế đã và đang bá chủ thời bấy giờ (Alexander, Agustus), thì vị vua mới cũng sẽ là đại vương bá chủ hoàn cầu.
Đức Giêsu là ngôi sao chiếu sáng, là ánh sáng. Thánh Mat-thêu mô tả ngôi sao chỉ đường soi lối cho các đạo sĩ. Hình ảnh này sau đó được rất nhiều thần học gia đồng hóa với chính Đức Giêsu. Sách Khải Huyền 22,16 cũng nhắc tới Đức Giêsu là sao mai. Từ 4 Tin Mừng, chúng ta cũng thấy nhiều lần Đức Giêsu được giới thiệu như ánh sáng, đặc biệt Lời Mở Tin Mừng Gioan đã nhắc tới 5 lần (Ga 1,4.5.7.8.9) và còn có 2 lần khác (Ga 8,12; 12,46).
M. Hạnh Tử
Tham khảo từ tác phẩm ĐƯỢC SINH RA Ở BELEM, tác giả Willibald Bösen
Nhận xét
Đăng nhận xét