Lịch sử của Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội



Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được ĐGH Pio IX tuyên tín vào ngày 8/12/1854, tức là vào thế kỷ 19, khá trễ so với lịch sử 1900 tuổi của Giáo Hội (lúc tuyên tín). Vì sao vậy?

Thực ra chủ đề này đã được tranh luận khá nhiều trong lịch sử, nhưng không có sự thống nhất. Nhiều vị thánh giáo phụ ở các thế kỷ đầu như thánh Augustino, thánh Ephrem; hay trường phái thần học Dòng Phanxico thời trung cổ rất xác tín giảng dạy và tuyên xưng Đức Maria được ơn vô nhiễm. Nhưng ngược lại cũng có một số vị thánh chưa đồng ý, hoặc còn trình bày cách thận trọng, chẳng hạn thánh Thánh Bênađô và thánh Thomas Aquino.

Điều khiến một số vị thánh và một số học giả e dè cẩn trọng, không phải vì họ không tôn sùng Đức Maria, cho bằng vì họ chưa giải thích được giá trị của ơn cứu độ của Chúa Giêsu nơi Đức Mẹ. Họ sợ rằng, nếu tuyên bố Đức Maria vô nhiễm, thì hóa ra Mẹ không cần tới ơn cứu độ của Chúa, và như vậy đồng nghĩa ơn cứu độ ấy không cần thiết cho tất cả mọi thụ tạo, và Đức Maria bị tách ra khỏi các thụ tạo khác, thành một nhân vật vượt trổi tới mức không cần được cứu độ.

Như thế, sự do dự hay và chưa chính thức giáo lý này là vì Giáo Hội chưa gỡ được nút thắt nơi vấn đề ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đối với Đức Maria. Chẳng hạn thánh Thomas Aquino đã cho rằng, Đức Mẹ không vô nhiễm ngay khi được thụ thai, nhưng sau đó thì tế bào thai nhi được đặc ân thoát khỏi nguyên tội. Ngôn ngữ chuyên biệt khi ấy mô tả là "Mẹ không vô nhiễm ngay giây phút đầu tiên nhưng ở giây phút thứ hai".

Ngày 8/12/1854 ĐGH Pio tuyên tín Đức Maria được đầu thai vô nhiễm. Ngài long trọng tuyên bố bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” rằng:
“Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Kitô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”.

Điều giáo hoàng tuyên tín cũng tháo gỡ nút thắt nơi vai trò của ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đối với Đức Maria. Nghĩa là, với mọi thọ tạo khác, ơn cứu độ cứu thoát khỏi nguyên tội, còn nơi Đức Maria là bảo vệ và gìn giữ Mẹ khỏi nguyên tội. Và chắc chắn đó là một đặc ân lớn lao.

Trong khi nhiều vị thánh và học giả nổi danh chưa tìm được tiếng nói chung, thì việc ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được đánh giá là một sự liều lĩnh, bởi bản thân Đức Pio IX không phải là một thần học gia lỗi lạc. Một số ý kiến thời bấy giờ đã nghi ngờ tính khả tín của tín điều này và cho rằng giáo hoàng đã vội vàng. Tệ hơn nữa, môt số ý kiến bày tỏ sự không phục với sắc lệnh của giáo hoàng. Đó là lý do sau khi được công bố, tín điều này không tạo được tiếng vang và không được chào đón nồng nhiệt ở phương tây.

Bốn năm sau đó, năm 1858, Đức Maria đã hiện ra ở Lộ Đức với thiếu nữ Bernadetta. Khi được thiếu nữ hỏi: "Bà là ai?", Đức Maria đã trả lời "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội!." Cuộc hiện ra và lời tự xưng này của Đức Maria tạo nên bước ngoặt lịch sử, và là một lời khẳng định chắc chắn cho tín điều Đức Pio IX mới tuyên tín nhưng chưa được hoàn toàn đón nhận.

Cuộc hiện ra này cũng đồng thời là tiền đề đưa tới tín điều Ơn Vô Ngộ của Đức Giáo Hoàng mà CĐ Vatican I tuyên tín sau đó (1870).

M. Hạnh Tử
Foto: Đức Pio IX tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO