HỎI. Có một số cha mẹ Công Giáo trẻ có quan điểm hiện đại là không rửa tội cho con nhỏ, hoặc cho con rửa tội nhưng không ép hay khuyến khích chúng thực hành đạo (đi lễ, học giáo lý, đọc kinh), mà để chúng lớn lên rồi tự do chọn lựa theo hay không theo đạo. Bạn nghĩ gì về quan điểm này?


ĐÁP. Như hầu hết các ý kiến đóng góp đều nói lên những khía cạnh khác nhau để phản bác quan điểm này, và tựu trung các ý kiến đều cho rằng quan điểm này cho thấy sự vô trách nhiệm và hời hợt lòng đạo của cha mẹ. Bởi người ta thường ví trẻ em như tờ giấy trắng, như một mầm non và cha mẹ cũng như xã hội có thể uốn nắn và lập trình giúp các em khôn lớn.
Trẻ em chưa biết rõ về trách nhiệm, chưa nghĩ xa cho tương lai và chưa phân biệt được tốt xấu, lợi hại của các vấn đề trong cuộc sống, nên các em còn sống hồn nhiên một cách tự nhiên: đói thì đòi ăn, khóc thì đòi dỗ dành, muốn được yêu thương. Các em thích được tự do chơi đùa thoải mái, và không thích bị gò bó. Chính vì thế trong giai đoạn này, cha mẹ là người quyết định thay cho các em tất cả. Cha mẹ biết cái gì tốt và cần cho con cái trong hiện tại cũng như cho tương lai.
Cá nhân tôi cho rằng, quan điểm trên chỉ có thể được chấp nhận với điều kiện cha mẹ phải là những gương sáng đạo đức, hiểu rõ và sống tốt giáo lý Tin Mừng để dạy dỗ con cái giúp chúng hiểu được ý nghĩa + giá trị của đạo trong sự so sánh với các nếp sống khác, thì mới có thể giúp con cái có một chọn lựa đúng đắn.
Trước khi bàn tới khía cạnh tôn giáo của vấn đề này, xin nói đến những vấn đề thực tiễn cụ thể. Khi muốn có một chọn lựa chính xác và phù hợp, chúng ta cần có một sự hiểu biết về các đối tượng để có thể so sánh. Ví dụ như khi đi mua quần áo, điện thoại hay các đồ dùng khác, chúng ta cần so sánh nhiều mẫu mã và chất lượng của chúng cũng như nhu cầu bản thần rồi mới quyết chọn cái phù hợp. Sẽ an toàn hơn nữa nếu chúng ta có hiểu biết về các sản phẩm ấy.
Tương tự như vậy, khi khuyến khích con cái học hành và gợi ý cho con về chọn lựa hướng đi tương lai, cha mẹ cũng cần hiểu rõ khả năng của con, và kèm theo đó là biết được khía cạnh lợi và bất lợi của các hướng đi ấy, rồi mới có thể giúp con đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp.
Quay lại với vấn đề rửa tội và giáo dục đức tin cho con cái, như đã nói ban đầu, quan điểm hiện đại của một số người cho rằng để cho con tự do chọn lựa theo hay không theo đạo khi lớn lên, chỉ có thể được chấp nhận nếu họ đã dạy dỗ, hướng dẫn và làm gương sáng cho con về đời sống đức tin. Vì như các lý luận bên trên đã nêu, người ta chỉ có thể có chọn lựa đúng và phù hợp khi có hiểu biết rõ ràng giữa 2 đối tượng. Đối với đời sống tôn giáo cũng vậy, con cái chỉ có thể có chọn lựa phù hợp khi cha mẹ đã tạo cho chúng một môi trường sống đạo tốt, gương sáng tốt lành, để chúng hiểu đạo là gì và ý nghĩa của đức tin với cuộc sống của mình.
Bởi lẽ hiểu biết về cuộc xã hội thì con cái có thể hâp thụ từ trường học và từ môi trường sống xung quanh, còn đời sống tôn giáo, giá trị của đức tin, của lòng yêu mến Chúa thì chính cha mẹ phải cung cấp cho các em. Các em chỉ có thể có một chọn lựa đúng đắn khi cân nhắc giữa một bên là cuộc sống xã hội vô tôn giáo với những lợi và hại của nó, và bên kia là đời sống tôn giáo mà các em được cha mẹ dạy dỗ và nhất là gương sáng của cha mẹ. Nếu cha mẹ đã có đời sống gương mẫu và sự hướng dẫn khéo léo mà không cần ép buộc, thì con cái gần như chắc chắn sẽ được thuyết phục bởi tấm gương của cha mẹ mà không cảm thấy mất tự do.
Rất nhiều bạn đã góp ý rất đúng rằng phải giúp con cái hiểu về tình yêu của Chúa, có kinh nghiệm về Chúa qua tình yêu của cha mẹ. Bằng không, những gì bắt buộc đều phản tác dụng, hoặc mang lại rất ít hiệu quả.
Tóm lại, cha mẹ chính là thầy dạy đức tin đầu đời cho con cái. Cha mẹ cũng sẽ là người đồng hành và hướng dẫn con trong giai đoạn đầu đời. Nếu như cha mẹ muốn để cho con tự do chọn lựa đức tin thì điều kiện tiên quyết là phải cung cấp cho các em một môi trường giáo dục tốt đẹp cùng với gương sáng từ gia đình. Còn nếu cha mẹ hời hợt việc giữ đạo, thì chắc chắn con cái cũng sẽ không tha thiết với đạo, mà chỉ thấy nơi đó những ràng buộc và trách nhiệm phức tạp, như những rào cản cuộc sống tự do của chúng. Trong trường hợp này, cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa vì đã không chu toàn điều họ đã hứa trong lễ cưới, là đón nhận và giáo dục con cái trong đức tin.
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO