Hỏi: Có phải Đạo Công Giáo không giữ luật Chúa khi tạc tượng để thờ không?


Trả lời: Không

Trước tiên chúng ta hãy phân tích mệnh lệnh được ban trong sách Xuất Hành (20,4-5): "Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình BẤT CỨ VẬT GÌ ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, ĐỂ MÀ THỜ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ":

Trong câu trên chúng ta lưu ý hai cụm từ được viết hoa.

Không được tạc tượng hay vẽ BẤT CỨ VẬT GÌ: Sở dĩ có mệnh lệnh này, vì thời bấy giờ xã hội còn khá mu muội, người ta có khuynh hướng mê tín và tin thờ vật linh - tương tự như xưa kia ở Việt Nam thờ Ông Hổ hay Cây Đa... vì nghĩ rằng đó là hiện thân hoặc nơi cư ngụ của thần linh. Dân Do Thái và các dân thời bấy giờ luôn có nguy cơ thờ vật linh (1Cor 12,12) bởi họ chưa được biết rõ về Thiên Chúa, mặc khải về Ngài vẫn còn "lờ mờ như trong một tấm gương" (1Cor 13,12). Họ thường đồng hóa Thiên Chúa vô hình với những gì gần gũi với cuộc sống và họ cảm thấy có mãnh lực nơi đó, chẳng hạn Ai Cập thờ thần rắn, vì rắn có nọc độc giết người, nhưng nọc độc đó cũng là thuốc cứu người; rắn thay da nên họ nghĩ nó bất tử; người Do Thái đúc con bò, vì bò là con vật nuôi sống họ bằng sữa và thịt, lại còn giúp họ làm nông nghiệp.

Lưu ý là luật cấm tạc tượng BẤT CỨ VẬT GÌ bởi khuynh hướng vật linh thời ấy, chứ không nói tới tạc tượng một nhân vật, cho nên người ta vẫn vẽ chân dung và đúc tượng các vị vua và các anh hùng thời đó.

ĐỂ MÀ THỜ - Đây là câu nòng cốt.

Chữ THỜ cần hiểu trong TÔN THỜ, THỜ PHƯỢNG, nghĩa là xem đó như đối tượng cao nhất của đức tin, một vị thần khác chứ không phải Đức Chúa (Xh 20,3). Và nếu ai xem tượng ảnh như Chúa và tôn thờ thì sai lầm, bởi tượng ảnh chỉ là vật chất do con người làm nên:

"Có mắt có miệng không nhìn không nói,
có mũi có tai không ngửi không nghe,
có hai tay không sờ không mó,
có hai chân không bước không đi" (Tv 115,4-7)

Sang thời Tân Ước, qua Chúa Giêsu - Thiên Chúa nhập thể - chúng ta đã thấy được hình hài của Ngài (một con người, một nhân vật lịch sử thực sự), và chúng ta có được những hình ảnh phác họa chân dung của Ngài từ khăn liệm Turin hay từ các bút tích cổ. Rồi Đức Mẹ và các thánh cũng là những con người cụ thể mà người ta có thể kiểm chứng.

Vâỵ thì người Công Giáo có làm tượng ảnh để THỜ không? Có lẽ điều này cả một em thiếu nhi cũng biết là KHÔNG. Tượng ảnh được xác định rõ ràng là vật tượng trưng để gợi nhớ con người về những thực tại thiêng liêng. Đạo Công Giáo cho phép làm tượng ảnh với mục đích hỗ trợ đức tin qua cảm nhận của giác quan. Và nếu ai có đức tin mạnh mẽ tới mức không cần tới tượng ảnh thì quá tốt.

Tượng ảnh của Công Giáo vừa là để TRANG TRÍ trong nơi thánh, vừa là để giúp các tín hữu nâng tâm hồn lên. Không một người Công Giáo nào tin tượng Chúa, Đức Mẹ hay các thánh là chính các vị đó, và không ai TÔN THỜ các tượng đó cả. Cũng như các nhà thờ Tin Lành vẫn có treo Thánh Giá, và các bạn sẽ nói rằng Thánh Giá đó không phải là Chúa mà để nhắc nhở và tưởng nhớ về tình yêu của Chúa đã chịu chết vì chúng ta. Tuy nhiên, các bạn không thể chối cãi rằng đó vẫn là sản phẩm tượng ảnh do con người làm ra.

Và cũng cần lưu ý thêm là không riêng Công Giáo, mà Chính Thống Giáo và cả Phái Kháng Cách Lutheran (có thể gọi là Tin Lành chính thống) vẫn có tượng ảnh (Icon) trong nhà thờ, nhưng các phái Tin Lành khác không chỉ trích, mà chỉ tấn công một mình Công Giáo.

Vậy phải giải thích sao về các hành vi cúi lạy, vái nhang hoặc sờ đụng các tượng thánh của các tín hữu Công Giáo? Câu trả lời sẽ được trình bày trong một bài viết sau.

M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO