CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT


BÀ VÊ-RÔ-NI-CA VÀ TẤM KHĂN LAU MẶT CHÚA GIÊSU
Vào Chúa Nhật Lễ Lá (hay còn gọi là Chúa Nhật Thương Khó) hằng năm tại Vatican, tấm khăn được cho là của bà Vê-rô-ni-ca đã dùng để lau mặt Chúa Giêsu trên đường Ngài bị điệu đi đóng đinh, sẽ được trưng bày trên bancon nhà nguyện thánh Vê-rô-ni-ca cho các tín hữu kính viếng. Nhà nguyện nhỏ bé này nằm gọn trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Lịch sử của tấm khăn này như sau.
Tài liệu cổ xưa nhất ghi chép về sự hiện hữu của tấm khăn của bà Vê-rô-ni-ca còn được lưu giữ ở Vatican có niên giám ghi năm 708, và một tài liệu chính thức khác của Tòa Thánh có niên giám năm 1140. Trên tấm khăn, người ta thấy khuôn mặt của một người đàn ông với đôi mắt nhắm lại và có vẻ đau đớn mệt mỏi, trên đầu có vòng gai và trán có vệt máu. Theo tương truyền thì đó chính là khuôn mặt Chúa Cứu Thế được in vào tấm khăn của bà Vê-rô-ni-ca.
Dưới thời giáo hoàng Phaolo V (1605-1621) người ta đã tiến hành kiểm tra/ nghiên cứu tấm khăn được lịch sử lưu truyền là của bà Vê-rô-ni-ca. Sau đó, người ta đã làm ra hai bản sao để lưu giữ. Nguyên bản của tấm khăn đã được long trọng đưa vào đền thờ thánh Phêrô vào năm 1625. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu tấm khăn ấy có thực sự là của bà Vê-rô-ni-ca, như xác nhận của giáo hoàng Phaolo V trong thư gửi cho vua Constanze (của Ba Lan) hay không, hay chỉ là một bức họa khuôn mặt Chúa Giêsu trên vải lụa?
Ông Giacomo Grimaldi (1568-1623), nhà viết sử và quản thư của Vatican, đã ghi chép lại rằng chính mắt ông đã được nhìn thấy bản gốc của tấm khăn này được bảo quản ở Vatican. Sau khi ĐGH Phaolo V cho làm hai bản sao của nó, thì bản gốc được cất giữ cẩn mật, và mỗi dịp đặc biệt, người ta chỉ trưng bản sao ra mà thôi. Và để bảo vệ giá trị của nó, Đức Giáo hoàng Phaolo V đã ra vạ tuyệt thông cho những ai tự ý (không được ngài và các người kế vị cho phép) sao chép bức họa này.
ĐGH Urban VIII. (1623-1544) một lần nữa tái khẳng định về sự chân thật của tấm khăn này và cho phép tôn kính như một thánh tích. Ngài cho phép làm thêm một bản sao (thứ 3) của tấm khăn và tạc tượng thánh Vê-rô-ni-ca với tấm khăn này trong đền thờ thánh Phêrô.
Vào giữ thế kỷ 20, linh mục Dòng Tên Heinrich Wilhelm Pfeiffer, một sử gia về nghệ thuật đã giành suốt 20 năm để nghiên cứu về tấm khăn, và ngài xác nhận rằng nó thực sự là một tấm khăn cổ có niên đại từ thế kỷ thứ I và được gìn giữ, bảo quản rất cẩn thận.
M. Hạnh Tử (lược dịch)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO