HỎI. Chúa Cha không còn cách khác để cứu chuộc hay sao mà lại để Chúa Con phải chịu khổ hình thập giá man rợ như vậy?
ĐÁP.
Trước tiên như thông lệ, chúng ta phải nghiêng mình trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết được chương trình của Chúa cho tới khi được an nghỉ trong Ngài. Những nỗ lực tìm hiểu của chúng ta chỉ là giúp hiểu phần nào đó trong khả năng giới hạn của lý trí mà thôi.
Tiếp đến, xin lấy một ví dụ đơn giản để giải đáp câu hỏi: Vì sao Chúa phải sai con của mình đến trần gian để hòa giải nhân loại với Ngài, mà không dùng cách khác?
Hãy hình dung như thế này. Một người đầy tớ làm hư hỏng chiếc siêu xe của ông chủ đại gia, khiến cho mối quan hệ chủ tớ xấu đi bởi đầy tớ sợ hãi bị trừng phạt. Người đầy tớ muốn sửa xe để đền bù cho ông chủ nhưng chi phí quá lớn ngoài khả năng của nó. Ông chủ thương xót người đầy tớ và muốn tha thứ cho nó, nhưng đồng thời vẫn phải sửa chữa chiếc xe của chính mình vì ông biết người đầy tớ không thể đền bù được. Do đó, ông đã bỏ một số tiền thật lớn ra để sửa xe. Như vậy, ông chủ bỏ ra số tiền lớn vừa là để đền thay cho người đầy tớ, vừa là để sửa xe cho chính mình.
Tương tự như thế, con người đã phạm tội làm tổn thương mối tương quan với Thiên Chúa và nó không có khả năng tự phục hồi mối tương quan ấy. Thiên Chúa muốn tha thứ cho con người và phục hồi mối tương quan với nó nên Ngài sai Chúa Con đến cứu độ. Chúa Con giống như tài sản mà Chúa Cha (ông chủ) tự bỏ ra để bù cho con người (đầy tớ) và vừa là để xây dựng lại mối tương quan với con người.
Về cách thức thực hiện. Vì sao phải là hy tế thập giá?
Để hiểu được điều này, chúng ta cần đặt sự kiện trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo của Do Thái Giáo thời xưa. Xưa kia, khi con người còn sống trong bầu khí tôn giáo, thì mọi tôn giáo luôn đi kèm với lễ vật. Con người dùng lễ tế để kết nối với thần linh. Lễ vật sẽ vừa là phương thức để con người bày tỏ lòng biết ơn/ cầu xin hay tạ tội. Không chỉ trong Do Thái Giáo mà gần như 100% các tôn giáo đều như thế. Không ai đi tới đền thờ và cầu thần khấn phật mà đi tay không. Người ta luôn muốn có một lễ vật diễn tả lòng thành.
"Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã sai con một đến trong trần gian" để cứu độ và phục hồi nhân loại đã sa ngã. Để nối kết và cứu độ con người, Thiên Chúa luôn dùng phương tiện của con người để họ có thể hiểu, nắm bắt và cảm nhận được. Do đó, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách mà loan báo trước về Đấng Cứu Độ mà Ngài sẽ ban. Thời gian viên mãn mà Thiên Chúa muốn vẫn nằm trong bối cảnh xã hội của nền văn minh thời bấy giờ, tức là trong văn hóa và tôn giáo Do Thái, gắn liền với đền thờ và hy lễ. Vì đối với người Do Thái, sẽ thật khó hình dung khi nói tới việc đền tội mà không có lễ vật. Và hơn nữa, lễ vật đối với Do Thái Giáo phải luôn là lễ vật sát tế.
Chúa Giêsu trước khi chịu khổ hình, đã nhiều lần được (hoặc tự) giới thiệu mình như CHIÊN THIÊN CHÚA, hình ảnh gợi nhớ con chiên chịu sát tế trong lễ vượt qua của Do Thái Giáo. Người Do Thái sẽ hiểu và nắm bắt được hình ảnh ấy nhờ việc nắm giữ lề luật và truyền thống. Khi nối kết các sự kiện của quá khứ và lời loan báo của các tiên tri cùng với truyền thống hy lễ đền thờ, người ta sẽ thấy rằng, Thiên Chúa cần một lễ tế hòa giải trọn hảo như xưa nay người ta vẫn dâng con chiên non vô tì tích làm của lễ. Con chiên ấy sẽ được thay thế bằng Con Thiên Chúa, Đâng trong sạch vô tì tích. Từ xưa kia cho tới lúc bấy giờ, dân Do Thái vẫn không ngừng dân lễ vật đền tội nhưng lòng vẫn không bao giờ thanh thản vì họ biết lễ vật họ dâng rất giới hạn so với tội lỗi mà họ đã phạm tới Thiên Chúa vô hạn. Còn sau khi Chúa Giêsu chịu chết thay cho đân, thì Thiên Chúa mặc khải cho con người hiểu rằng, lễ tế của Ngài là trọn vẹn, và từ nay Ngài không cần con người phải dâng lễ tế vật chất nữa.
Tuy nhiên, cũng như lễ vật trước khi được dâng tiến phải chịu sát tế, thì Chúa Con - Chiên Thiên Chúa - cũng phải chịu sát tế. Nhưng thời đó người ta không sát tế con người làm lễ vật nữa. Do đó, Thiên Chúa đã "vẽ đường thẳng trên nét cong tội lỗi", khi Ngài - nhân tiện sự thù ghét và âm mưu giết người của giới lãnh đạo Do Thái - làm phương tiện hiến tế con mình. Có thể nói, hình khổ thập giá là tội ác của con người, nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành phương tiện cứu độ.
Như vậy nghĩa là, cái chết của Chúa Kitô cần được quan sát, hiểu và giải thích trong truyền thống tế tự của Do Thái Giáo, dưới sự soi sáng của Kinh Thánh (lề luật về các lễ vật của Môsê). Trong cái nhìn đó, con người sẽ hiểu rằng con người luôn cần và muốn dâng hy lễ để kết nối với thần linh, nhưng lễ vật của con người là hữu hạn, nên Thiên Chúa đã tự mình ban cho con người lễ vật mà Ngài muốn, lễ vật làm đẹp lòng Ngài, với mục đích giải thoát con người khỏi gánh nặng tội lỗi mà họ không ngừng tìm cách thoát ra qua việc dâng hy lễ đền tội.
M. Hạnh Tử
Nhận xét
Đăng nhận xét