CÓ THỂ BẠN CẦN BIẾT
Phân biệt Huynh Đoàn Thánh Pio X và Huynh Đoàn Thánh Phêrô
1. HUYNH ĐOÀN THÁNH PIO X (viết tắt FSSPX)
Huynh đoàn Thánh Piô X do Đức TGM Marcel Lefèvre (Pháp) thành lập năm 1970 và năm 1988 trở thành phong trào ly giáo. Năm 1970, Đức TGM Lefèvre thành lập Huynh đoàn thánh Piô X với sự đồng ý của Đức cha Francois Charrière, Giám mục Fribourg với một chủng viện tại Ecône, và được Tòa Thánh chấp thuận. Năm 1971, Đức cha Lefèvre tuyên bố là ngài không chấp nhận Nghi Thức Thánh Lễ và Sách Lễ Mới của Công đồng, vì lý do lương tâm.
Năm 1984, Tòa Thánh cho phép các linh mục của huynh đoàn cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh theo lễ nghi tiền Công đồng chung Vaticanô II. Ngày 30.6.1988, Ðức cha Lefèvre đã cùng Ðức cha Antonio de Castro Mayer tấn phong 4 Giám mục của huynh đoàn, mà không có phép và bất chấp mọi khuyến cáo của Tòa Thánh. Theo khoản 751 của Giáo luật, vì đã công khai từ chối vâng lời Đức Giáo hoàng và khước từ sự hiệp thông với các chi thể của Giáo hội, nên hai Giám mục chủ phong và 4 tân Giám mục đều tức khắc bị vạ tuyệt thông.
Thực ra, từ năm 1987, Tòa Thánh đã tìm nhiều cách để hòa giải và đưa Huynh đoàn Thánh Piô X trở về hiệp nhất với Giáo hội nhưng vẫn chưa thành công dù có nhiều nhân nhượng và ưu tiên. Ngày 21.1.2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tha vạ tuyệt thông cho 4 giám mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô X.,và đề nghị họ nhìn nhận giáo huấn của CĐ Vatican II cũng như vâng phục Giáo Hoàng và Tòa Thánh. Tuy nhiên, điều này chưa thực hiện được.
Như vậy cho tới nay, mặc dù có khá nhiều linh mục và tín hữu của Huynh đoàn thánh Pio X đã trở về hiệp thông với Hội Thánh Hoàn Vũ. Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Huynh Đoàn này có nhiều tiến triển, nhưng vẫn chưa có sự hiệp thông trọn vẹn. Và do đó, các tín hữu Công Giáo trong điều kiện thông thường KHÔNG ĐƯỢC THAM DỰ THÁNH LỄ của Huynh đoàn Pio X.
2. HUYNH ĐOÀN LINH MỤC THÁNH PHÊRÔ (FSSP)
Huynh Đoàn được thành lập vào ngày 18 tháng 7 năm 1988 tại Đan viện Hauterive (Thụy Sĩ), là một Tu Đoàn Tông Đồ (GL 731 – 746), một cộng đoàn các Linh mục không có lời khấn, nhưng làm việc chung với nhau với cùng một sứ mệnh trong Giáo Hội Công Giáo. FSSP được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II châu phê Hiến Pháp vào ngày 18 tháng 10 năm 1988. Sứ mệnh của FSSP gồm hai điều: thứ nhất là sự hình thành và thánh hóa các Linh mục trong khuôn khổ của phụng vụ truyền thống, thường được gọi là Hình thức Ngoại thường của nghi lễ Latinh; thứ hai là chăm sóc các linh hồn và các hoạt động mục vụ để phục vụ Giáo Hội. Huynh đoàn này được Tòa Thánh thành lập để đón nhận các linh mục và chủng sinh rời bỏ Huynh đoàn thánh Piô X.
Kể từ tháng 9 năm 2019, Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô đã bắt đầu sứ vụ tại Việt Nam và do Linh mục Laurent Demets, thi hành sứ vụ tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tuy nhiên, cần lưu ý là Tòa Tổng giám mục chưa ban hành một văn bản nào liên quan đến việc thành lập Huynh đoàn Thánh Phêrô ở Việt Nam. Về việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, Đức Tổng Giuse chỉ cho phép linh mục Laurent Demets cử hành riêng tư mà thôi, không được cử hành tại nhà thờ giáo xứ, và không mời gọi giáo dân tham dự (trích Thông Báo của Tòa Giám Mục Sài Gòn 21/8/2020).
Tóm lại, sự khác biệt căn bản giữa hai Huynh Đoàn này nằm ở chỗ:
- Huynh đoàn linh mục thánh Phêrô (FSSP) hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh và được ban phép cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ.
- Huynh đoàn linh mục thánh Pio X (SSPX) chưa hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh Roma.
Về việc tham dự Thánh Lễ theo nghi thức cũ nơi 2 Huynh Đoàn này. Các tín hữu được phép tham dự Thánh Lễ ở Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô (FSSP). Nhưng như Tòa TGM Sài Gòn đã Thông Báo, Huynh Đoàn này không được cử hành đại trà và không được mời gọi các tín hữu tham dự.
Trái lại, Huynh Đoàn Thánh Pio X do chưa hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, nên trong điều kiện thông thường, các tín hữu KHÔNG ĐƯỢC tham dự Thánh Lễ của họ (GL Đ. 1364, §1; 1365).
Được biết hiện nay, Huynh Đoàn Thánh Pio X đã có mặt tại Việt Nam và mời linh mục giám tỉnh miền Châu Á từ Philipin sang dâng thánh lễ. Xét theo Giáo Luật Công Giáo thì điều này là bất hợp pháp vì chưa có phép của Đấng Bản Quyền (Giám Mục) địa phương. Do đó, xin lưu ý những tín hữu có lòng yêu mến với nghi thức Thánh Lễ cũ không được tham dự Thánh Lễ nơi Huynh Đoàn Pio X.
M. Hạnh Tử (sưu tầm và tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét