CÓ PHẢI NGƯỜI CÔNG GIÁO TIN MÙ QUÁNG?


Có lẽ các bạn đã từng nghe lời chỉ trích từ những người không có thiện cảm với đạo Công Giáo rằng, ''mấy con chiên đạo tin mù quáng, có ai chứng minh được Chúa có thật đâu, thế mà chúng cứ bảo phúc cho ai không thấy mà tin''.
Vậy thì chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta có thấy mình mù quáng và ''bị dắt mũi'' không? Cá nhân tôi khẳng định là không. Tôi xác tín rằng tin là một ân ban vì ''Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban“ (Ga 3,28).
Trước tiên hãy nói về lòng tin. Ở đời này chúng ta luôn cần có lòng tin trong cuộc sống: tin vào tình yêu của cha mẹ; tin vào bản thân rằng tôi có khả năng, rằng tôi có quyền hi vọng thành công, rằng tôi đáng yêu và đáng được yêu. Tình yêu luôn song hành cùng niềm tin: Tin-Yêu. Kèm theo đó, chúng ta cũng cần tin vào tha nhân và cuộc sống, tin bạn bè và đối tác làm ăn. Lòng tin hay niềm tin giống như sợi dây an toàn giúp chúng ta tự tin đi trên đường đời. Nếu không có lòng tin, chúng ta sẽ trở nên cực kì đa nghi và sợ sệt đề phòng, sẽ luôn có cảm giác người khác sẽ phản bội mình và cực đoan nhất sẽ là tự cô lập bản thân như một ốc đảo. Người không có lòng tin vào bất cứ ai và bất cứ đều gì sẽ là người bất hạnh nhất.
Tiếp đến, chúng ta nói về niềm tin tôn giáo. Chưa bàn sâu tới giáo lý tôn giáo, có lẽ hầu hết con người trên thế giới này đều thừa nhận họ có niềm tin vào thế lực siêu nhiên. Từ xưa cho tới nay, cho dù có nhiều người tuyên bố là vô thần, không tin thần thánh, nhưng thực tế là người ta không thể phủ nhận được có một thế lực siêu nhiên nào đó vượt trên thế giới này. Những người tự nhận là vô thần khi gặp đau khổ, bế tắc, vẫn chấp tay cầu xin may mắn, xin ông trời hay "mẹ thiên nhiên" phù trợ. Người ta có thể chối bỏ hay chống lại các tôn giáo, nhưng cái khao khát sự thiện từ thâm sâu lòng con người thì người ta không thể phủ nhận, và đó là dấu chỉ của "bản tính tôn giáo" bẩm sinh nơi họ.
Tiếp đến, con người có lý trí và biết suy tư sẽ thao thức tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ bằng trí khôn thông thường, người ta đã có thể thắc mắc về nguồn gốc và mục đích của con người trên thế giới này. Sự khác biệt quá lớn giữa con người và các loài động thực vật khác lẽ ra đã là manh mối khiến con người phải thấy được giá trị của mình. Tôi cũng thế, tôi tin con người không ngẫu nhiên xuất hiện trên đời rồi sau đó biến mất. Nỗi khao khát sự sống, khao khát sự thiện và khao khát hạnh phúc trong lòng khiến tôi hiểu rằng có một điều gì đó cao hơn thế giới vật chất này. Và đồng thời tôi tin con người không chỉ là vật chất, mà có linh hồn bất tử, bởi rõ ràng trong tôi luôn có khao khát bất tử. Tuy nhiên tôi thấy rằng vật chất là vô thường chóng qua, trong thế giới vật chất này, dù khoa học và kinh tế phát triển đến đâu, dù người ta giàu cỡ nào, thì họ vẫn không bao giờ thỏa mãn được những khát khao trong sâu thẳm lòng mình. Từ đó tôi tin rằng có một Đấng Tuyệt Đối - Thiên Chúa.
Nhưng ''không thấy mà tin'' có phải mù quáng không?
Thực ra điều chúng ta không thấy được thì mới cần tới lòng tin, bởi những gì sờ sờ ra trước mắt thì cần gì phải tin nữa bởi nó đã hiển nhiên. Ví dụ, khi bạn đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, rồi thỉnh thoảng gọi điện (video call) về thăm cha mẹ. Khi nhìn thấy khuôn mặt và nghe giọng nói của cha mẹ thì bạn biết là cha mẹ khỏe mạnh bình an. Trong trường hợp này nếu bạn đã thấy mà không tin thì chỉ có bị thần kinh. Trái lại, nếu một lần nào đó bạn gọi điện về nhà nhưng cha mẹ đi vắng và bạn không thể thấy họ, nhưng người nhà bắt máy và nói: ''Cha mẹ ở nhà khỏe cả, con cứ yên tâm nhé'', và bạn tin vào lời người ấy dù không được tai nghe mắt thấy thì mới gọi là tin. Ở đây bạn tin dựa vào lời làm chứng của người thân.
Tương tự như thế, khi chúng ta nghe tin tức về khoa học thiên văn, rằng người ta tìm thấy cái này cái kia trên sao hỏa, chúng ta tin dù không được tận mắt thấy hay được đặt chân đến vì biết rằng với công nghệ tiến bộ ngày nay người ta có thể bay vào không gian.
Trở lại với vấn đề tôn giáo. Hầu như 100% người Việt Nam đều có niềm tin, nhưng những người không theo một đạo nào cụ thể, thì thường "vái tứ phương", mỗi dịp lễ tết là lại đi chùa hay lên đền để khấn xin cho quốc thái dân an, cho gia đình hạnh phúc... Nhưng họ không hề biết họ đang cầu xin với ai dù họ tin có một ''Ai Đó'' đang chứng giám cho họ. Sự mơ hồ trong đức tin khiến người ta nghĩ ra những vị thần phù hợp với mong muốn của lòng họ, một vị thần chung chung mơ hồ mà họ chẳng cần đòi hỏi chứng minh. Họ tin vì cảm thấy cần phải tin, thế thôi.
Người Công Giáo chúng tôi chưa nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng tự thâm sâu lòng mình chúng tôi biết có Ngài hiện hữu, bởi sự hiện hữu của vũ trụ và của bản thân mình đã là một bằng chứng về Đấng Sáng Tạo: ''Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.'' (Rom 1,19-20)
Khi tôi tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa (thượng đế), tôi thấy mình cần hiểu thêm về Ngài, và đạo sẽ giúp tôi. Đạo giúp tôi biết tôi tin ai, và vị ấy không phải là sản phẩm do tôi tự nghĩ ra. Đạo Công Giáo là một tôn giáo có cơ cấu chặt chẽ, có giáo lý rõ ràng, khiến tôi thêm xác tín vào niềm tin của mình. Chính nhờ theo đạo mà tôi mới được học hỏi và biết một cách đúng đắn về Thiên Chúa của mạc khải. Chúng tôi tin dựa vào thế giá của Giáo Hội với hơn 2000 năm truyền thống không đứt đoạn, với lời chứng của hàng triệu tín hữu đã dám đổ máu ra tuyên xưng. Chính máu các thánh tử đạo là hạt giống đức tin mà tôi đang được kế thừa. Cho nên, tôi dám mạnh dạn nói như thánh Phaolo: ''Tôi biết tôi tin vào ai'' (2Tm 2,1-12).
M. Hạnh Tử


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Chúng ta đã làm gì sai?"

VỊ THÁNH TẠO RA KÝ HIỆU VIẾT TẮT "IHS" (JHS)

KITÔ GIÁO TỪ KHỞI ĐẦU LÀ CÔNG GIÁO