HỎI: DÒNG XITÔ CÓ PHẢI DÒNG KÍN ?
ĐÁP: Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu "Dòng kín" nghĩa là gì.
Khi nói đến “dòng kín”, người ta hiểu là một nhà dòng “kín cổng cao tường”. Trong nguyên ngữ latinh, clausura có nghĩa là sự đóng lại (bởi động từ claudere: đóng, khóa). Áp dụng vào đời tu, clausura được hiểu không chỉ như là cổng tường ngăn cách tu viện với thế giới bên ngoài, mà như là một kỷ luật liên quan đến sự ra vào (quen dịch là “nội vi”, tiếng Pháp: clôture; tiếng Anh: enclosure).
Tuy nhiên, đừng tưởng rằng chỉ có các “nhà kín” mới buộc giữ luật nội vi. Tất cả các dòng tu đều phải giữ nội vi, tuy với những cấp độ khác nhau tuỳ theo sứ mạng riêng (GL, Đ. 667). Các đan viện chiêm niệm thì giữ một nội vi chặt chẽ hơn.
Lại cần nói thêm, đừng nên đồng hoá "dòng chiêm niệm” với “Dòng kín”. Trong giáo luật hiện hành, chế độ “nhà kín” thường chỉ áp dụng cho nữ giới, còn dòng chiêm niệm bao gồm cả những dòng nam nữa. Ngoài ra, nhiều dòng nữ sống đời chiêm niệm nhưng không ở trong “nhà kín”.
Dòng Kín giữ linh đạo thuần chiêm niệm, nghĩa là các tu sĩ sống trọn đời trong nhà dòng, hầu như tách mình hoàn toàn khỏi cuộc sống bên ngoài, thậm chí không sử dụng điện thoại hay mạng xã hội, không đi du lịch, không tham dự các khóa học bên ngoài và không tham gia hoạt động mục vụ như giúp xứ, dạy học...
Bây giờ chúng ta tìm hiểu về Dòng Xitô. Dòng Xitô bắt nguồn từ Dòng Biển Đức với nền tảng là Tu Luật của thánh Biển Đức và sống theo linh đạo chiêm niệm (ora et labora: cầu nguyện và lao động). Dòng Xitô có hai nhánh:
- Dòng Xitô chung phép (O.Cist) vẫn là dòng chiêm niệm, nhưng được phép thích nghi tùy hoàn cảnh. Các linh mục vẫn có thể coi sóc giáo xứ hoặc hoạt động mục vụ khi cần thiết. Chẳng hạn ở châu âu, Dòng Xitô vẫn coi xứ và dạy học như các dòng hoạt động khác. Ở Việt Nam ngày nay - đặc biệt là ở các giáo phận miền nam - do linh mục triều tạm đủ và các dòng tu hoạt động cũng đông đảo, nên các linh mục Dòng Xitô không phải hoạt động. Nhưng ngay từ thời mới thành lập, các linh mục của Dòng vẫn sẵn sàng tham gia mục vụ như dâng thánh lễ, giảng tĩnh tâm và giải tội nơi các giáo xứ nếu được mời. Tuy nhiên, thuở ban đầu, cha Benoit Thuận, sáng lập Dòng Xitô Việt Nam, đã muốn lập dòng kín (Trappist), nhưng do không hội đủ điều kiện cần thiết, nên sau đó cha đã xin gia nhập vào Dòng Xitô chung phép.
- Dòng Xitô nhặt phép (O.C.S.O) hay còn gọi Dòng Trappist là dòng kín theo đúng nghĩa. Các đan sĩ chỉ ở trong nội vi đan viện - tương tự như dòng kín Cát Minh hay Clara.
Như thế tóm lại, Dòng Xitô chung phép - trong đó có Hội Dòng ở Việt Nam - là Dòng chiêm niệm nhưng không phải Dòng Kín. Còn Dòng Xitô nhặt phép (Trappist) là Dòng Kín.
M. Hạnh Tử
Nhận xét
Đăng nhận xét